D.Map là gì?
D.Map, viết tắt của Disability Map, là bản đồ hướng đến việc giúp người khuyết tật tìm kiếm các công trình công cộng tiếp cận.
Tiếp cận được định nghĩa theo Luật Người khuyết tật Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 là: “Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hoà nhập cộng đồng.”
Hạng mục tiếp cận mà D.Map hướng tới trong số đó là công trình công cộng, thuộc nhiều loại điểm đến khác nhau: từ quán ăn, nơi mua sắm, điểm giải trí đến công trình tôn giáo
D.Map do ai tạo nên?
Bản đồ tiếp cận D.Map là một dự án xã hội của DRD thực hiện trong năm 2015 với đối tác chính là Đại học Hoa Sen. Dự án này nhận sự tài trợ của Tổ chức UNIID SEA
Dự án Bản đồ tiếp cận D.Map được phát triển trên nền tảng bản đồ tiếp cận trên giấy mà DRD triển khai trước đó, từ 2011 đến 2012.
Vào tháng 9/2017, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tiếp tục nhận được sự tài trợ của USAID cho dự án "Tiếp cận cho mọi người" giai đoạn 2017-2020. Ở giai đoạn mới này, một trong những hoạt động thuộc mục tiêu Nâng cao nâng lực cho người khuyết tật hai tỉnh Tây Ninh và Bình Định (thuộc địa bàn dự án) về quyền tiếp cận các công trình công cộng chính là phát triển và khuyến khích người khuyết tật/người không khuyết tật tải ứng dụng D.Map và cập nhật thông tin để làm giàu kho ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật này.
D.Map có ý nghĩa là gì?
D.Map giúp nâng cao sự hoà nhập của người khuyết tật vào xã hội.
Đối với người khuyết tật: D.Map là một kênh thông tin hữu hiệu để có thể tìm kiếm các địa điểm được xây dựng có hạng mục tiếp cận. Các địa điểm được cập nhật tại D.Map là công viên, công sở, văn phòng, quán xá…, nơi đáp ứng các nhu cầu cần thiết của mọi người, bao gồm cả người khuyết tật.
Đối với người không khuyết tật: D.Map là dịp để thể hiện sự quan tâm đến và góp phần hỗ trợ người khuyết tật. Ứng dụng này cũng đồng thời giúp cộng đồng nhận thức về nhu cầu hoà nhập chính đáng của người khuyết tật trong bối cảnh hạ tầng đô thị chưa đáp ứng.
Về lâu dài, DRD kỳ vọng rằng với D.Map, nhận thức của ngày càng nhiều người trong xã hội sẽ tác động tích cực đến hành vi của người dân và cơ quan chính quyền để các công trình công cộng được điều chỉnh và xây dựng theo hướng tiếp cận.
D.Map ra mắt vào ngày 1 tháng 3 năm 2016.